Cuộc cách mạng công nghiệp đã thực sự thay đổi cuộc sống của chúng ta, đặc biệt là từ khi có Internet. Hành vi của người tiêu dùng cũng dần thích ứng theo. Từ đó các doanh nghiệp tận dụng những đổi mới để đáp ứng nhu cầu của khách hàng hoàn hảo hơn. Không chỉ mua bán trên một nền tảng nhất định, doanh nghiệp sẽ tạo liên kết đa kênh để khách hàng có thể mua hàng ở bất cứ đâu. Và mô hình bán hàng đa kênh Omnichannel đã ra đời. Vậy Omnichannel là gì? Vai trò của Omnichannel trong doanh nghiệp như thế nào?
Tất cả các thắc mắc xoay quanh mô hình bán hàng đa kênh Omnichannel sẽ được Viết Bài Xuyên Việt giải đáp chi tiết ngay sau đây.
Mục lục
Omnichannel là gì?
Omnichannel được biết đến là mô hình bán hàng đa kênh, với phương thức kinh doanh cho phép khách hàng trải nghiệm mua sắm trên nhiều nền tảng khác nhau. Khách hàng có thể mua sắm một sản phẩm trực tuyến qua các các thiết bị kết nối Internet như máy tính, điện thoại di động, hoặc mua hàng trực tiếp tại cửa hàng.
Hiểu rộng hơn, Omnichannel bao gồm:
- Bán hàng đa kênh.
- Tiếp thị đa điểm.
- Quản lý tập trung.
Bán hàng đa kênh
Sản phẩm bạn bán cần xuất hiện đồng bộ trên các kênh bán hàng bạn có, hoặc những kênh tiếp cận nhiều khách hàng tối ưu và được quản lý chung một hệ thống. Nó có thể bao gồm kênh truyền thống như cửa hàng, điểm bán hay kênh digital như website, sàn thương mại điện tử, các mạng xã hội,…
Tiếp thị đa điểm
Sản phẩm và thương hiệu của bạn càng xuất hiện trên nhiều kênh càng tốt. Điều đó giúp tăng khả năng tiếp cận khách hàng. Nếu chi phí dành cho marketing của doanh nghiệp lớn, việc tiếp thị đa điểm sẽ dễ dàng hơn. Nếu không, doanh nghiệp cần phân tích khách hàng mục tiêu, xác định những kênh hiệu quả để xây dựng mô hình Omnichannel.
Quản lý tập trung
Với vô số kênh bán hàng và hàng trăm sản phẩm khác nhau được doanh nghiệp bán ra thì thông tin sản phẩm rất dễ bị chênh lệch, sai khác giữa các kênh. Vì thế bạn phải đồng nhất thông tin để khách hàng tin tưởng và trải nghiệm được mượt mà hơn, không bị khúc mắc khi có quá nhiều giá cả, chất lượng, hình ảnh,… khác nhau cho một sản phẩm mà họ muốn mua.
THAM KHẢO THÊM:
Vai trò của Omnichannel đối với doanh nghiệp
Nghe có vẻ như Omnichannel khá phức tạp phải không? Vì thế mà các doanh nghiệp thường sẽ thuê một bên thứ 3 hoặc có một bộ phận chuyên quản lý hệ thống bán hàng đa kênh này. Vậy lợi ích của Omnichannel là gì mà khiến doanh nghiệp nên áp dụng?
Quản lý dữ liệu hiệu quả
Những phương thức quản lý bán hàng cũ đã dần bộc lộ các nhược điểm như: sót đơn hàng, giao nhầm hàng, thông tin sai khác, tổng doanh thu không khớp,… Lý do là bởi hành vi mua của khách hàng đã thay đổi, họ chuyển sang mua sắm trực tuyến và nhiều kênh hơn. Từ đó, khối lượng các thông tin về mã sản phẩm, đơn hàng, các nhu cầu phát sinh từ khách hàng cần xử lý đúng đắn,… là rất lớn. Vì thế, Omnichannel đã giúp doanh nghiệp giải quyết những khó khăn đó, đồng bộ dữ liệu hoàn chỉnh hơn.
“Phủ sóng” thương hiệu rộng rãi hơn
Sản phẩm và thương hiệu sẽ xuất hiện đồng thời trên nhiều kênh khác nhau nên khách hàng sẽ tiếp cận nhiều lần, ấn tượng hơn với thương hiệu. Chẳng hạn như khi khách hàng vào website của bạn để lựa chọn và cho vào giỏ hàng một sản phẩm mà chưa thanh toán. Hôm sau, họ lại thấy sản phẩm cùng thương hiệu xuất hiện trên Google Adwords/Facebook/Zalo/… thì họ sẽ được khơi gợi lại về món hàng đã quên và càng tăng ấn tượng hơn.
Nắm bắt, dẫn dắt xu hướng thị trường
Hoạt động đầu tiên để thâm nhập thị trường là doanh nghiệp phải nghiên cứu thị trường và nắm bắt xu hướng của khách hàng. Khi áp dụng Omnichannel, thương hiệu sẽ được quảng bá rộng rãi hơn, khách hàng sẽ biết đến bạn nhiều hơn và dần tin tưởng, trở thành khách hàng trung thành. Nếu bạn ra mắt sản phẩm mới, chắc chắn rằng họ cũng sẽ không quá e dè để dùng thử nhờ niềm tin từ những sản phẩm trước.
5 lời khuyên dành cho doanh nghiệp khi áp dụng Omnichannel
Qua những thông tin Omnichannel là gì trên đây, bạn đang muốn bắt tay vào xây dựng mô hình bán hàng đa kênh này? Khoan đã, đừng vội nhé! Trước khi đưa mô hình này vào thực tiễn hãy điểm qua một số lưu ý như sau:
Đặt mình vào vị trí trải nghiệm mua hàng
Đóng vai trò như một khách hàng bình thường để cảm nhận và phân tích cảm giác của họ khi nghiên cứu, lựa chọn sản phẩm của bạn. Hãy thử tương tác qua tất cả các kênh bán hàng có sẵn, thậm chí yêu cầu hỗ trợ, thử đặt mua. Những trải nghiệm này nên được khảo sát và thực hiện bởi cả những người trong nội bộ và người ngoài doanh nghiệp để có đánh giá chính xác và điều chỉnh cho phù hợp với mong muốn của khách hàng.
Sử dụng dữ liệu để tiếp cận nhanh chóng với khách hàng
Xu hướng Digital marketing đã và đang triển rất mạnh mẽ. Ngoài những dữ liệu chúng ta thu thập được từ cửa hàng trực tiếp, doanh nghiệp có thể sử dụng dữ liệu như số điện thoại, email của khách hàng để thực hiện email marketing, telesales,… Chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng dữ liệu để truyền tải những nội dung sản phẩm, thương hiệu liên quan mật thiết đến insight của khách hàng.
Phân khúc khách hàng và lựa chọn khách hàng mục tiêu
Chúng ta không thể nào dùng một sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của tất cả mọi người. Việc phân khúc khách hàng sẽ giúp bạn dễ dàng xác định khách hàng mục tiêu và đưa ra phương thức tiếp cận rõ ràng hơn. Từ đó, những thông tin mà khách hàng thực sự quan tâm sẽ được đưa ra để quá trình bán hàng đạt hiệu quả.
Sử dụng chiến lược remarketing
Một khi khách hàng đã bỏ sản phẩm vào giỏ hàng mà chưa thanh toán ngay, đừng để nó đi vào lãng quên. Hãy tiếp cận họ bằng những nội dung nhắc nhở, gợi nhớ lại nhu cầu như gửi thông báo, nhắn tin,…
Nếu một khách hàng đã từng mua hàng, hãy tiếp tục giới thiệu cho họ những sản phẩm khác đi kèm, bổ sung,… Những hành động này sẽ giúp nhu cầu của khách hàng được cá nhân hóa và phát huy lợi ích của mô hình Omnichannel.
Tăng cường sự liên kết giữa các kênh và thiết bị
Khách hàng có thể sử dụng nhiều thiết bị trong một quá trình mua hàng. Hãy chắc chắn rằng các kênh bán hàng hoạt động được trên nhiều thiết bị và đảm bảo quá trình mua hàng được hoàn tất thuận lợi. Khi khách hàng thêm một sản phẩm vào giỏ hàng trên laptop thì giỏ hàng vẫn được giữ nguyên hàng khi họ tiếp tục thêm một hàng hóa từ smartphone. Và tất nhiên, quá trình thanh toán cũng phải diễn ra được ở mọi thiết bị.
Kết luận
Hy vọng rằng, những thông tin cơ bản trên về Omnichannel là gì đã giúp bạn nhận thức khái quát hơn về mô hình bán hàng đa kênh. Để đạt doanh thu tối đa cho doanh nghiệp, bạn cần học hỏi thêm nhiều kiến thức kinh doanh khác và xây dựng hoàn chỉnh một Omnichannel. Hãy đồng hành cùng Viết Bài Xuyên Việt để được cung cấp thêm nhiều thông tin bổ ích nữa nhé!