Cách viết bài giới thiệu website

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đi vào cao trào thì vai trò của website ngày càng quan trọng. Thậm chí một số doanh nghiệp phát triển đến 80 – 90% doanh thu từ website. Do đó, cách viết bài giới thiệu website sao cho thân thiện và tạo được sự gắn kết với khách hàng là cả một nghệ thuật. Bởi vì chẳng ai muốn quay lại một website có lời giới thiệu cứng nhắc như robot hoặc lan man không thể hiện được đặc trưng của thương hiệu cả. Hãy cùng tìm hiểu một số mẹo để tạo thiện cảm với khách hàng ngay từ dòng chữ đầu tiên nhé!

Cấu trúc của bài giới thiệu website cơ bản

Cho đến thời điểm hiện tại thì không có một quy chuẩn nào về cách viết bài giới thiệu website cả. Tất cả chỉ dựa trên cảm tính và đôi khi cảm tính sẽ làm bạn lầm đường lạc lối. Sau đây là 3 phần cơ bản nhất mà một bài viết giới thiệu website cần phải có. Và dĩ nhiên là bài giới thiệu website cần được trình bày theo cấu trúc bài viết chuẩn SEO nhé các bạn!

Sự ra đời của doanh nghiệp

Điều đầu tiên khách hàng quan tâm khi truy cập vào website là gốc gác của chủ website. Giữa thị trường thật giả lẫn lộn thì người mua luôn cần biết và tìm hiểu kỹ về nơi mà họ sẽ trao niềm tin, gửi hy vọng. Do đó, hãy chủ động cho họ biết bạn là ai và tóm tắt về sự ra đời của doanh nghiệp để khách hàng nắm bắt được tình hình.

Hãy tóm tắt một cách ngắn gọn nhất có thể. Bạn có thể tập trung vào các ý sau:

  • Đề cập đến nhu cầu sử dụng sản phẩm/dịch vụ ==> Website ra đời và giải quyết nhu cầu đó
  • Đặt vấn đề cần giải quyết ==> Đây là nơi xử lý triệt để

Cách viết bài giới thiệu website tốt nhất là viết chân thành

Sứ mệnh và giá trị cốt lõi của doanh nghiệp

Khoan hãy nói về thông tin liên hệ cũng như trình bày những ưu điểm do bạn tự nói về mình. Hãy cho khách hàng thấy những mục tiêu và giá trị mà doanh nghiệp của bạn muốn hướng đến. Ví dụ như website bán bột rau sấy lạnh thì hãy nói về sứ mệnh làm mát cuộc sống và giá trị mà sản phẩm mang đến cho người dùng là gì?

Đừng tự khen mình là “tốt nhất”, “rẻ nhất” mà hãy để khách hàng tự trải nghiệm những điều ấy. Vì khi tìm hiểu về một sản phẩm thì người mua cần biết chính xác những gì mà họ nhận được cũng như sản phẩm ấy sẽ mang lại cho họ những giá trị gì. Nếu bạn làm nổi bật những giá trị độc đáo trong phần này thì sẽ tiếp thêm động lực cho người đọc đi tiếp sang phần sau. Cách viết bài giới thiệu website cũng không quá khó nhỉ?

Những sản phẩm/dịch vụ mà bạn cung cấp

Sau khi bạn làm tốt ở phần nêu ra giá trị mà khách hàng nhận được thì họ sẽ tò mò về những sản phẩm cụ thể là gì. Đây là lúc bạn “show” ra những sản phẩm mũi nhọn của mình và những nhóm dịch vụ nổi bật nhất của website.

Ví dụ bạn làm website về xuất khẩu lao động thì có thể nói đến những quốc gia mà doanh nghiệp của bạn có kết nối dịch vụ tốt nhất. Nếu bạn bán sản phẩm trầm hương thì có thể phân thành 3 nhóm như trang sức trầm, trầm mỹ nghệ và nhang trầm. Rất đơn giản nhưng sẽ giúp khách hàng nhanh chóng nắm bắt được những gì họ sắp mua.

Những biến hóa trong cách viết bài giới thiệu website

Có nhất thiết phải đi theo lối mòn?

Sự sáng tạo là vô hạn và vấn đề là bạn có đủ can đảm để khai phóng? Một bài giới thiệu website không cần phải đi theo các nguyên tắc cứng nhắc. Hãy đặt mình vào vị trí của người đọc và thử hỏi xem bạn đang cần gì ở website này. Từ đó bạn có thể tự do trình bày bài giới thiệu website theo nhiều cách và nhiều sự lựa chọn khác nhau.

Lấy ví dụ ngay trang web Viết Bài Xuyên Việt luôn nha. Mình không viết bài giới thiệu và đặt thành một mục trên menu như kiểu truyền thống. Mình trình bày phần giới thiệu website dịch vụ thành dạng hồ sơ năng lực và khi bạn kéo đến đâu thì sẽ nắm bắt được nội dung đến đó. Chỉ có điều là mình thiết kế chưa đẹp lắm thôi hehe.

Thử đọc mấy quyển sách về copywriting sau xem sao: https://vietbaixuyenviet.com/sach-hay-ve-copywriting/

Những mục linh tinh giúp bài giới thiệu website thêm sinh động

Mỗi món ăn đều có công thức nhưng lại ra vị khác nhau khi đổi đầu bếp. Vì sao vậy? Đó là vì cách thêm gia vị của mỗi đầu bếp là khác nhau nhưng chung quy lại thì mục tiêu cuối cùng vẫn là để thỏa mãn thực khách. Đối với một bài giới thiệu website cũng vậy! Bạn có thể thêm vào những gia vị độc đáo để ghi dấu ấn trong tâm trí khách hàng. Nhưng nhớ là khác biệt chứ không dị biệt nhé!

Vì dụ như trang giới thiệu Viết Bài Xuyên Việt có thêm phần “Tại sao nên chọn chúng tôi”. Uh đúng rồi! Tại sao ngoài kia có cả ngàn dịch vụ Content Marketing mà những khách hàng yêu dấu lại chọn VBXV? Đây là lúc bạn nói thêm về sự khác biệt của mình so với những anh hàng xóm. Nhưng cẩn thận quá trớn thành đi nói xấu hàng xóm nha.

Những lầm tưởng thường gặp khiến bạn tự tát vào mặt mình

Để có được những lời giới thiệu trang web hay thì bạn cần biết được những sai lầm cần tránh. Và không nhất thiết bạn phải tự vấp ngã để rồi đứng lên. Cách tốt nhất là nhìn vào sai lầm của người đi trước.

Ông hát bà khen hay và những cái tát sấp mặt

Sai lầm lớn nhất khi viết bài giới thiệu website là biến nó thành bài pr cho trang web một cách lộ liễu và thô thiển. Bạn cần nhớ rằng lời giới thiệu chỉ đơn giản là mang đến cho khách hàng những thông tin chính xác nhất và ngắn gọn nhất về bạn và những gì họ sẽ nhận được từ website của bạn.

Đừng có huyên thuyên thêm vào những câu sáo rỗng như “chúng tôi là dịch vụ XXX tốt nhất vịnh Bắc Bộ” hoặc “chúng tôi cung cấp sản phẩm YYY giá rẻ nhất quả đất”. Những lời này không hề sai khi quảng cáo nhưng bây giờ chưa phải lúc. Chém gió cũng cần nghệ thuật đấy các bạn ơi! Nếu cứ cắm đầu vào hô hào tui là nhất, tui là vô địch thì chẳng khác nào đang tự hạ thấp giá trị của cả thương hiệu.

Định hướng sai tệp khách hàng và cái kết tan nát

Một yếu tố rất quan trọng quyết định đến cách viết bài giới thiệu website đó là xác định được khách hàng mục tiêu của website. Ví dụ một website cung cấp dịch vụ tham vấn tâm lý thì lối hành văn cần chuẩn mực và lịch sự. Mặt khác, nếu website cung cấp dịch vụ Content Marketing thì có thể thêm một tí dí dỏm và sáng tạo vào bài viết. Làm dịch vụ sáng tạo mà chính mình cũng khô khốc thì nên chuyển nghề bán mực khô thôi!

Và sau khi xác định sai khách hàng mục tiêu thì cách hành văn của bạn cũng sẽ làm người đọc mất cảm tình. Chẳng hạn như giới thiệu website bán hàng nội thất cao cấp mà lại dùng teencode của các em thiếu niên để viết thì thôi rồi Lượm ơi. Hoặc bán sản phẩm làm đẹp cho các chị em phụ nữ mà cứ xưng hô tôi và chị như đang họp thì cũng mệt nhể.

Kết luận

Cách viết bài cho website thật ra không hề khó, chỉ là chúng ta làm nó trở nên phức tạp thôi. Hãy giới thiệu về doanh nghiệp của bạn một cách chân thành và ngắn gọn. Khi mọi thứ bắt đầu bằng sự chân thành thì vòng kết nối rất dễ thiết lập.

Chẳng hạn như mình viết bài này cũng chân thành lắm đó nên bạn đọc xong cũng thấy thích thích nhỉ. Theo thứ tự thì sự chân thành dẫn đến thiện cảm và thiện cảm dẫn đến tin tưởng. Khi khách hàng tin tưởng bạn thì việc bán hàng chỉ như buổi trò chuyện giữa hai người bạn. Nhẹ nhàng, thoải mái và gia tăng doanh thu!

Nếu bạn chưa tự tin viết thì hãy liên hệ dịch vụ viết nội dung website của Viết Bài Xuyên Việt nhé!

6 những suy nghĩ trên “Cách viết bài giới thiệu website

    • Trần Thắng nói:

      Dạ cảm ơn đã góp ý. Anh có thể chỉ dùm chúng em chỗ sai để chúng em sửa chữa lỗi được không ạ?

    • Trần Thắng nói:

      Chào anh Hưng,
      Cảm ơn anh đã đóng góp cho bài viết của chúng em.
      Anh có thể giải thích rõ hơn là vì sao anh khuyên như vậy được không ạ!

  1. nguyễn tuấn nói:

    xin chào
    mình xem bài của bạn, để tham khảo kinh nghiệm quý báu trong bài, khi xem đến phần bình luận, cũng thấy nét riêng của người góp ý và sự chân thành của người viết. theo mình hiểu, sai chính tả ví dụ như nói ngọng L, với N, hoặc gõ ký tự dấu…; “viết lên nội dung khác với “viết nên nội dung”
    viết lên nội dung này có ý nghĩa là bạn đã trình bày nội dung này hay bạn đã nói về nội dung này. Còn viết nên nội dung này cũng bao hàm sai chính tả nhưng còn ý nghĩa khác nữa giống như khuyên răn nên thế này nên thế kia. Ở đây bạn “viết ngọng” thì đúng hơn.

    • Trần Thắng nói:

      Chào anh Tuấn,
      Chúng em cảm ơn anh đã đọc bài và bình luận rất chân tình ạ!
      Theo em thì “viết nên” có thể hiểu là làm 1 cái gì đó, tạo ra 1 cái gì đó. Giống như “xây dựng nên cái ABC” hoặc “nên người” hoặc “làm nên lịch sử”
      Còn “viết lên” có thể hiểu là tác động vào 1 cái gì đó. Ví dụ như “viết lên cây”, “viết lên kính”…
      Ngôn ngữ tiếng Việt thật sự rất phong phú, có thể trao đổi cùng nhau đã là một sự thúc đẩy rất tốt cho đôi bên. Mong phản hồi từ anh ạ!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *